Sẽ công khai rộng rãi Luật Biển VN. Nhà nước sẽ thực hiện các chính sách ưu tiên đối với nhân dân sinh sống trên các đảo và quần đảo.
Ngày 16-7, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố các lệnh của Chủ tịch nước về công bố 13 luật, hai nghị quyết mà QH vừa thông qua tại kỳ họp vừa qua gồm: Luật Giá, Luật Giám định tư pháp, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Quảng cáo, Luật Biển Việt Nam (VN), Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Giáo dục đại học, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, nghị quyết về thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, nghị quyết về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức, cá nhân.
Tính toán có lợi cho lao động nữ. Với Bộ luật Lao động sửa đổi, Thứ tưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân giải thích thêm quy định mới về thời gian nghỉ tết Âm lịch. Theo đó, luật mới kéo dài thời gian nghỉ lên năm ngày (hiện nay là bốn ngày). Nếu những ngày nghỉ đó trùng vào thứ Bảy, Chủ nhật thì người lao động sẽ được nghỉ bù thêm hai ngày. Tuy nhiên, vì luật mới có hiệu lực từ 1-5-2013 nên phải cuối năm sau quy định này mới được áp dụng.
Luật cũng tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ lên sáu tháng nhưng để mở quyền cho lao động nữ trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được bốn tháng. Đáng lưu ý, vào thời điểm luật có hiệu lực 1-5-2013, các lao động nữ đang trong thời gian nghỉ thai sản từ trước vẫn được nghỉ sáu tháng theo quy định mới.
Nội dung của Luật Biển VN sẽ được công khai, phổ biến, tuyên truyền rộng rãi. Ảnh: HTD
Giảm nhẹ thì áp dụng ngay. Về Luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ 1-7-2013), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ cho biết luật mới được nâng lên từ pháp lệnh, có nhiều quy định mới mang tính nhân đạo, chẳng hạn không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, buộc đưa vào cơ sở chữa bệnh với người bán dâm, không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, đưa vào trường giáo dưỡng với người 12-16 tuổi trong những trường hợp cụ thể...
Vì có những quy định giảm nhẹ trách nhiệm hành chính so với quy định hiện hành nên Nghị quyết của QH hướng dẫn kể từ thời điểm công bố luật, các quy định có lợi nêu trên sẽ được áp dụng ngay với người vi phạm. Theo đó, với những trường hợp đã bị xử phạt mà chưa thi hành hoặc hoãn thi hành thì không phải thi hành; đang thi hành hoặc được tạm đình chỉ thì không phải thi hành nữa. Những trường hợp được miễn chấp hành thì giờ coi như là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Việc xác định đường cơ sở sẽ thực hiện từng bước. Về Luật Biển VN (có hiệu lực từ 1-1-2013), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết sau khi luật được công bố, toàn bộ nội dung của Luật Biển VN sẽ được công khai, phổ biến, tuyên truyền rộng rãi. Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để giới thiệu, hướng dẫn người dân và các bên có liên quan tuân thủ luật này.
Theo ông Sơn, việc thông qua Luật Biển VN có ý nghĩa quan trọng. Đây là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất từ trước đến nay quy định khá toàn diện chế độ pháp lý về các vấn đề đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và các quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của VN. Văn bản cũng tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc, có hiệu lực cao về các hoạt động trong vùng biển VN, phát triển kinh tế biển, quản lý và bảo vệ biển, đảo.
“Trước đây, các vấn đề biển, đảo chúng ta đã quy định trong một số văn bản pháp luật nhưng chủ yếu là Tuyên bố năm 1977 của Chính phủ về các vùng biển, sau đó là Công ước Luật Biển 1982 mà QH đã phê chuẩn năm 1994... Nay ta luật hóa, quy định rõ hơn về các chế độ pháp lý cho từng vùng biển, phù hợp với pháp luật quốc tế” - ông Sơn giải thích.
Trả lời câu hỏi về việc xác định đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải VN đến nay đã được tiến hành thế nào, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết Chính phủ đã tuyên bố, xác định và vẽ đường cơ sở từ khu vực đảo Cồn Cỏ (ngoài khơi tỉnh Quảng Trị) đến đảo Thổ Chu (Kiên Giang). Còn đường cơ sở ở các khu vực khác như vịnh Bắc Bộ, hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa... thì đến nay chưa có. Theo quy định của Luật Biển VN, Chính phủ sẽ xác định và công bố đường cơ sở ở những khu vực này sau khi được Ủy ban Thường vụ QH phê chuẩn. Từng khu vực sẽ được tiến hành khi điều kiện cho phép.
Ông Sơn cũng nhấn mạnh bằng việc ban hành Luật Biển, VN chuyển tải tới cộng đồng quốc tế thông điệp quan trọng: VN là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, VN luôn tôn trọng, tuân thủ luật pháp quốc tế, các công ước quốc tế mà VN là thành viên, trong đó có Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hiệp Quốc.
Chiều 16/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 7 luật và 2 nghị quyết đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp vừa qua.
7 luật được công bố lần này gồm luật Giá; Giám định tư pháp; Phổ biến, giáo dục pháp luật; Quảng cáo; Tài nguyên nước (sửa đổi); luật Biển Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2013; luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ 1/7/2013, trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2014.
Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: Nguyễn Hưng
2 nghị quyết về việc thi hành luật Xử lý vi phạm hành chính và nghị quyết về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân cũng đã được công bố.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung, luật Giá có điểm mới so với pháp lệnh trước đó là quy định chế độ phải công khai thông tin về giá đối với cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, góp phần làm cho thị trường hoạt động công khai, minh bạch, hạn chế thị trường ngầm, tạo ra sự đồng thuận chung trong xã hội về chủ trương quản lý, điều hành giá để có những phản ứng tâm lý tích cực của người tiêu dùng. Luật Giá cũng đã quy định rõ về nghĩa vụ niêm yết giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện để quy định này đi vào cuộc sống.
Luật Giám định tư pháp quy định về tổ chức và hoạt động giám định tư pháp. Đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền tự yêu cầu giám định tư pháp sau khi đã đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
Quy định này của Luật đã mở ra cơ hội mới, tạo điều kiện chủ động cho các bên đương sự chủ động thu thập chứng cứ để chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đây là bước tiến đáng kể trong hoạt động tư pháp theo tinh thần cải cách tư pháp, tăng cường dân chủ hóa hoạt động tố tụng, góp phần mở rộng quyền tự do dân chủ của công dân, hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ cho biết luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định về quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; chính sách của Nhà nước về phổ biến giáo dục pháp luật và xã hội hóa công tác phổ biến giáo dục pháp luật; quản lý nhà nước về phổ biến giáo dục pháp luật; nội dung, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật chung cho công dân và cho một số đối tượng đặc thù.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng giới thiệu một số nét chính của Luật Xử lý vi phạm hành chính. So với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, luật đã có sự thay đổi theo hướng hạn chế áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên từ đủ 12 đến dưới 14 tuổi...
Một điểm thay đổi trong đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là trường hợp người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định, nếu theo Pháp lệnh sẽ thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, tuy nhiên, theo luật này, đối tượng đó sẽ được giao cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em để quản lý, giáo dục trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thay vì đưa vào trường giáo dưỡng.
Liên quan đến việc thi hành luật, ông Phạm Quý Tỵ cho biết luật có phạm vi điều chỉnh rộng, phức tạp, có nhiều quy định mang tính nhân đạo, có lợi cho người vi phạm, nhiều quy định mang tính chuyển tiếp, do vậy, ngày 20/6/2012, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc thi hành luật này.
Kể từ thời điểm công bố đến khi luật có hiệu lực (ngày 1/1/2014), không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm. Người có hành vi bán dâm bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý đã được quy định tại Bộ luật Hình sự hoặc nhiều lần có hành vi trộm cắp vặt, lừa đảo nhỏ, đánh bạc nhỏ, gây rối trật tự công cộng.
Luật Quảng cáo gồm 5 chương, 43 điều. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải cho biết chương I tập trung quy định những vấn đề có tính nguyên tắc. Điểm mới của chương này là đã quy định cụ thể những loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bị cấm quảng cáo gồm thuốc lá, rượu từ 15 độ trở lên, sữa dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, bình vú và vú ngậm nhân tạo; sản phẩm hàng hóa có tính chất kích dục và kích động bạo lực; súng săn, đạn súng săn, vũ khí thể thao. Ngoài ra luật còn quy định Chính phủ căn cứ vào tình hình phát sinh trên thực tế để quy định những loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo.
So với luật Tài nguyên nước hiện hành, luật sửa đổi đã bổ sung 39 điều mới hoàn toàn về nội dung và sửa đổi, bổ sung 40 điều. Luật bổ sung quy định một số dự án liên quan đến khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng và tổ chức, cá nhân liên quan nhằm đề cao trách nhiệm, minh bạch thông tin về những tác động tiêu cực có thể gây ra ngay từ khi chuẩn bị thực hiện dự án. Luật cũng quy định phân loại lưu vực sông, nguồn nước làm căn cứ phân công, phân cấp quản lý và bổ sung quy định về phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên nước.
Nghị quyết số 29/2012/QH13 về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 21/6/2012.
Theo đó, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2012 đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh trong lĩnh vực xổ số, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; sản xuất hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; doanh nghiệp được xếp hạng 1, hạng đặc biệt thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty.
Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng công trình hạ tầng kinh tế xã hội cũng được giảm 30% số thuế thu nhập phải nộp năm nay.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã giới thiệu những điểm cơ bản của luật Biển Việt Nam.
Luật Biển Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán của Nhà nước là giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển đảo với các nước láng giềng bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp với UNCLOS 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế. Nhà nước ta đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, trong đó có nhiều lĩnh vực hợp tác cụ thể về biển và đại dương.
"Với việc khẳng định giải quyết một cách hoà bình các tranh chấp biển, đảo, Nhà nước ta cũng đã chuyển đi một thông điệp quan trọng đến toàn thế giới: Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, quyết tâm phấn đấu vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới", Thứ trưởng Ngoại giao nói.