Bộ dân luật 1972 quyển III
QUYỂN III
Nói về di sản
THIÊN THỨ NHẤT
Tổng tắc
Điều thứ 498 – Di sản được truyền cho ai là do luật pháp định hay là do ý muốn của người quá cố.
Di sản của mỗi người được khai phát do sự mệnh chung của người ấy.
Điều thứ 499 – Di sản khai phát kể vào ngày mệnh chung và ở nơi cư sở cuối cùng của người mệnh một, nếu không biết cư sở ở đâu thì kể là tại nơi cư ngụ cuối cùng.
Điều thứ 500 – Trong trường hợp nhiều người thừa kế lẫn nhau cùng chết trong một tai biến, nếu không có bằng chứng là người nào chết trước người nào chết sau, thì không ai được thừa kế ai, và di sản của người nào sẽ được truyền riêng cho thừa kế của người ấy.
Điều thứ 501 – Muốn được hưởng di sản, phải hiện sống vào ngày di sản khai phát.
Cũng được coi là đầy đủ tư cách được hưởng di sản nếu mới thành thai vào ngày ấy, miễn là phải sống khi lọt lòng.
Điều thứ 502 – Bị coi là bất xứng thừa hưởng di sản:
1) Người nào bị kết án vì đã cố sát hay thanh toán người để lại di sản hay ông bà, cha mẹ của người này;
2) Người nào bị kết án vì đã vu cáo người mệnh một hay ông bà cha mẹ của người này về một trọng tội;
3) Người thừa kế trưởng thành biết sự cố sát người mệnh một mà không tố giác.
Nhưng sự tố giác đó không thể viện ra nếu kẻ sát nhân là tôn ti thuộc trực hệ của ngừơi thừa kế, hay tôn thuộc của hàng tôn ti đó, hay người phối ngẫu, anh chị em ruột, cô chú bác cậu dì, cháu trai cháu gái ruột của người thừa kế.
Điều thứ 503 – Một thừa kế còn có thể bị truất quyền do chúc thư của người mệnh một để lại có viện dẫn lý do.
Điều thứ 504 – Ngươi thừa kế bất xứng hay bị truất quyền phải hoàn lại hoa lợi đã hưởng thụ từ ngày di sản khai phát.
Điều thứ 505 – Người bất xứng hay bị truất quyền được coi như không bao giờ là thừa kế.
Tuy nhiên, phần di sản mà đáng lẽ người ấy được hưởng sẽ truyền cho con cháu, dẫu rằng ngừơi quá cố còn thừa kế khác ngang hàng với người bất xứng hay bị truất quyền, trừ phi chính các con cháu này cũng bất xứng hay bị truất quyền.
Trong bất cứ trường hợp nào, người thừa kế bất xứng hay bị truất quyền không được hưởng, đối với phần di sản do con mình được truyền thụ như trên, quyền hưởng dụng mà luật pháp dành cho cha mẹ như định tại điều 274.
Điều thứ 506 – Ai cũng có quyền khước từ di sản, không người nào bị bó buộc phải nhận, dầu là ti thuộc trực hệ.
Đìêu thứ 507 – Sự khước từ không thể suy đóan, mà phải khai với lục sự tòa sơ thẩm nơi di sản khai phát, để làm biên bản trong một quyển sổ riêng lưu giữ tại phòng lục sự.
Điều thứ 508 – Năng quyền khước từ chỉ có thể sử hành trong hạn một năm kể từ ngày người muốn khước từ biết là di sản đã khai phát, sau đó sẽ không còn quyền khước từ nữa.
Trong trường hợp người thừa kế bậc nhất khước từ, người thừa kế bậc tiếp sau cũng có một thời hạn một năm để khước từ kể từ ngày khước từ của người thứ nhất.
Điều thứ 509 - Thừa kế nào đã chấp nhận di sản một cách minh thị hay mặc nhiên rồi thì không còn có thể khước từ.
Sự chấp nhận là minh thị khi nào người thừa hưởng lấy danh nghĩa hoặc tư cách là người thừa kế trong một công hay tư chứng thư.
Sự chấp nhận là mặc nhiên khi nào người thừa hưởng có một hành vi mà đương nhân chỉ có thể làm với tư cách là thừa kế mà thôi.
Điều thứ 510 – Người khước từ coi như không bao giờ là thừa kế.
Tuy nhiên, di sản mà đáng lẽ người khước từ được sẽ truyền cho con cháu trừ phi chính các người này hưởng cũng khước từ.
Đọan 3 điều 505 cũng được áp dụng cho trường hợp khước từ.
Điều thứ 511 – Nếu do sự khước từ mà người thừa kế làm thiệt hại cho các chủ nợ của mình, những người này có thể trong thời hạn một năm kể từ ngày khước từ xin tòa hủy bỏ sự khước từ ấy tới giới hạn trái quyền của họ. Ngoài ra sự khước từ vẫn giữ nguyên hiệu lực đối với ngừơi thừa kế đã khước từ.
Điều thứ 512 – Không ai được khước từ hoặc sử dụng những quyền lợi thuộc một di sản chưa khai phát dẫu rằng có sự ưng thuận của người sẽ để lại di sản.
Điều thứ 513 – Thừa kế được thừa hửơng di sản kể từ ngày di sản khai phát, dầu là đã chấp nhận di sản sau ngày đó hay đã để qua thời hạn khước từ.
Điều thứ 514 – Thừa kế nào đã tẩu tán hay giấu giếm tài vật gì thuộc một di sản sẽ không còn được khước từ di sản ấy; sự khước từ dầu có làm cũng vô hiệu quả, đương sự vẫn là thừa kế và ngoài ra không được dự vào sự phân chia những tài vật đã bị tẩu tán hay giấu giếm.
"]Bộ dân luật 1972 quyển III[/DOWNLOAD]