Bộ dân luật 1972 quyển 1
TỔNG THỐNG VIỆT NAM CỘNG HÒA
Chiếu Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa ngày mùng 1 tháng tư năm 1967,
Chiếu sắc lệnh số 394-TT/SL ngày mùng 1 tháng chín năm 1969 và các văn kiện kế tiếp ấn định thành phần Chính phủ;
Chiếu luật số 005/72 ngày 28 tháng sáu năm 1972 ủy quyền cho Tổng Thống quyết định và ban hành bằng sắc luật các biện pháp cần thiết trong các lãnh vực an ninh, quốc phòng, kinh tế, tài chánh;
Sau khi Hội Đồng Tổng trưởng đã thảo luận.
SẮC LUẬT:
Điều thứ nhất. - Nay ban hành Bộ Dân luật gồm thiên mở đầu, quyển I, quyển II, quyển III, quyển IV, quyển V và điều khoản tổng quát, đính kèm.
Điều thứ 2. – Sắc luật này được đăng vào Công báo Việt Nam Cộng Hòa.
Saigon, ngày 20 tháng chạp năm 1972
NGUYỄN VĂN THIỆU
B Ộ D Â N L U Ậ T
THIÊN MỞ ĐẦU
Tổng tắc về sự ban hành, công bố và áp dụng luật pháp.
Điều thứ nhất – Các đạo luật có hiệu lực chấp hành trên toàn thể lãnh thổ Việt Nam do sự ban hành và sự cống bố vào Công báo Việt Nam.
Các bản văn lập qui có hiệu lực ấy, do sự công bố vào Công báo Việt Nam.
Điều thứ 2 – Nếu không có điều khỏan rõ ràng ngày thi hành, hiệu lực chấp hành của các đạo luật và các bản văn lập qui sẽ khởi đầu:
a) Tại Thủ đô Saigon, một ngày tròn sau khi Công báo Việt Nam có đăng các văn kiện ấy xuất bản;
b) Tại các thị xã và tỉnh lỵ: một ngày tròn sau khi số Công báo Việt Nam có đăng những văn kiện ấy tới các thị xã hay tỉnh lỵ;
c) Tại các nơi khác, ba ngày tròn sau ngày tòa tỉnh trưởng sở quan nhận được số Công báo Việt Nam có đăng những văn kiện ấy.
Điều thứ 3 - Trong trường hợp khẩn cấp, chính phủ có thể cho thi hành ngay các văn kiện kể trên mặc dầu chưa đăng vào Công báo, bằng cách thông báo trên báo chí hoặc niêm yết hoặc phát thanh.
Hiệu lực chấp hành sẽ khởi đầu từ ngày thông cáo trên báo chí hoặc niêm yết, hoặc phát thanh; nếu các phương tiện phổ biến trên không cùng một ngày, sẽ lấy ngày sớm nhất làm ngày khởi đầu.
Điều thứ 4 - Luật chỉ có hiệu lực về tương lai, không có hiệu lực về quá khứ.
Điều thứ 5 - Những điều luật về thân trạng và năng cách chi phối cả người Việt cư ngụ ở ngoại quốc.
Điều thứ 6 - Bất động sản và động sản tại Việt Nam đều do luật Việt Nam chi phối mặc dầu thuộc quyền sở hữu của người ngoại quốc, ngoại trừ trường hợp phải dẫn dụng đến pháp chế hữu quyền về phương diện thừa kế.
Luật Việt Nam có thẩm quyền để phân định một đề tài có tánh cách động sản hay bất động sản.
Điều thứ 7 - Những luật cảnh sát và an ninh có hiệu lực cưỡng bách tất cả mọi người trên lãnh thổ quốc gia.