Biện pháp quản lý phát triển đội ngũ cán bộ quản lý các trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Đăk Nông
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Đội ngũ CBQL các cấp là những người tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước, là nhân tố quyết định chất lượng GDĐT. CBQLGD nói chung và CBQL ở các trường PTDTNT nói riêng; ngoài chức năng là nhà giáo dục, người lãnh đạo, họ còn là cán bộ quần chúng, là người góp phần vào sự nghiệp thắng lợi của công cuộc đổi mới GD. Yêu cầu về phát triển để nâng cao chất lượng đội ngũ CBQL đã, đang trở thành vấn đề trọng tâm của cả ngành GDĐT hiện nay.
Yêu cầu về đổi mới GD phổ thông hiện nay đang đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ hàng loạt các biện pháp nhằm tăng cường các điều kiện đảm bảo về chất lượng GV, CSVC – trang thiết bị, nguồn lực tài chính,… trong đó đổi mới QLGD có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp đổi mới GD, mở đường cho việc triển khai những chủ trương đã được đề ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” [22].
Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, của các cấp, các ngành. Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam. Trường PTDTNT là nơi tạo nguồn cho các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp để đào tạo cán bộ và lực lượng lao động có trình độ, tay nghề cao tham gia vào công cuộc xây dựng quê hương, vùng dân tộc [7].
Tỉnh Đăk Nông có nhiều đồng bào các dân tộc cùng sinh sống nên việc GD học sinh dân tộc thiểu số cũng phải chú ý đến tính đặc thù này, để mỗi CBQL có những nội dung, phương pháp GD sao cho phù hợp với mục tiêu GD theo tính đặc thù của địa phương. Đội ngũ CBQLGD ở Đăk Nông, đặc biệt là CBQL tại các trường PTDTNT giữ một vị trí rất quan trọng, họ thật sự là những người gắn bó với sự nghiệp GD để nuôi dưỡng, đào tạo HS dân tộc thiểu số – những cán bộ tương lai của của địa phương – làm trụ cột để giữ vững ổn định chính trị, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng Đăk Nông ngày càng vững mạnh và phát triển.
Với mục tiêu là xây dựng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục được chuẩn hoá, đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, lối sống, lương tâm, tay nghề của nhà giáo. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 16/6/2004 về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD [1]; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 09/2005/QĐ-TTg, ngày 11/01/2005 về việc phê duyệt đề án “Xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD giai đoạn 2005 – 2010” [11], với mục tiêu tổng quát là: “Xây dựng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD theo hướng chuẩn hóa, nâng cao chất lượng, bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức lối sống, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn của nhà giáo, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp GD trong công cuộc đẩy mạnh CNH – HĐH đất nước”.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đăk Nông lần thứ X (nhiệm kỳ 2010 – 2015) xác định phương hướng, nhiệm vụ đối với lĩnh vực GDĐT; phát triển nguồn nhân lực: “Tăng cường đầu tư nguồn lực cho sự nghiệp GDĐT, nâng cao chất lượng GDPT, đẩy mạnh GD hướng nghiệp – dạy nghề, nhất là dạy nghề ở nông thôn, trong vùng đồng bào DTTS; gắn đào tạo xây dựng nguồn nhân lực với các chương trình mục tiêu phát triển, khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh” [17].
Những năm qua, ngành GDĐT tỉnh Đăk Nông đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống các trường PTDTNT. Với vai trò, chức năng nhiệm vụ được qui định, cùng với những đặc thù của địa phương, đội ngũ CBQL ở các trường PTDTNT tỉnh Đăk Nông đã có những nỗ lực góp phần tạo nên chất lượng giáo dục dân tộc ở địa phương, góp phần cùng cả tỉnh hoàn thành mục tiêu phổ cập GDTHCS vào tháng 12/2009.
Tuy nhiên, chất lượng GDPT ở tỉnh Đăk Nông còn thấp, GD dân tộc cũng nằm trong thực trạng chung đó. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là một bộ phận không nhỏ đội ngũ CBQL của các trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Vì vậy, việc nghiên cứu để đề xuất các biện pháp QL phát triển đội ngũ CBQL các trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh Đăk Nông là rất cần thiết. Nghiên cứu thành công sẽ góp phần giải quyết được những tồn tại trong giáo dục dân tộc của tỉnh hiện nay.
Xuất phát từ những lý do nêu trên, chúng tôi lựa chọn nghiên cứu đề tài “Biện pháp quản lý phát triển đội ngũ cán bộ quản lý các trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Đăk Nông”.