Bảo tồn giá trị truyền thống của các nghề thủ công đề ra mục tiêu là phải xác định được các giá trị truyền thống của nghề thủ công tại bản Na Sang 2 (xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Lai Châu) và làng Đại Bái (xã Đại Bái, huyện G ia Bình, tỉnh Bắc Ninh)*. Dự án này áp dụng thí điểm một phương pháp tiếp cận mới có tên gọi là Photovoice (Tiếng nói của hình ảnh). Đây là phương pháp được bắt đầu trong một dự án nghiên cứu về sức khoẻ phụ nữ ở Trung Quốc do Quỹ Ford tài trợ vào những năm 1990. Những người phụ nữ được đề nghị chụp ảnh về những thách thức lớn nhất đối với sức khoẻ của họ. Khi dự án kết thúc, những người thiết kế dự án đã rất ngạc nhiên khi được biết về những thông tin và mối quan tâm về sức khoẻ của những người phụ nữ mà trước đây họ chưa từng được biết đến. Từ đó, phương pháp này được những nhà thiết kế dự án phát triển và những nhà nhân học sử dụng với mong muốn thu thập được những tri thức bản địa. theo bản báo cáo tóm tắt dự án Photovoice của Uỷ ban bảo vệ thiên nhiên Vân Nam (Trung Quốc), phương pháp Photovoice có ba mục tiêu chính: 1) ghi lại hình ảnh và phản ánh thế mạnh và những mối quan tâm của cá nhân và của cộng đồng; 2) khuyến khích tra o đổi và nâng cao tri thức về các vấn đề của cá nhân và cộng đồng thông qua các cuộc thảo luận nhóm về những bức ảnh; 3) đưa ra đề xuất cho những nhà hoạch định chính sách. Với phương pháp này, người dân có thể xác định, thể hiện và phát triển cộng đồng của mình thông qua những kỹ thuật chụp ảnh cụ thể. Đây là một phương pháp nghiên cứu tham gia và xây dụng nguồn lực đầy sáng tạo nhằm giúp cho các thành viên trong cộng đồng tự chụp ảnh và kể những câu chuyện của mình và sử dụng ảnh và câu chuyện để thông báo với những nhà hoạch định chính sách về những vấn đề họ quan tâm ở cấp độ địa phương. Chính vì thế, trong dự án Bảo tồn giá trị truyền thống của các nghề thủ công, những người thợ thủ công ở bản Na Sang 2 và làng Đại Bái được giao máy ảnh để tự chụp các bức ảnh về cuộc sống, về nghề nghiệp của mình và thể hiện những ý tưởng qua ảnh, qua các cuộc phỏng vấn, trao đổi với những nhà nghiên cứu và qua các cuộc thảo luận nhóm giữa những người thợ thủ công với nhau.
Từ kết quả của phỏng vấn, trao đổi về nội dung của những bức ảnh với những người thợ thủ công ờ địa phương, chúng ta có thể xác định được các giá trị truyền thống của các nghề thủ công và thấy được sự quan tâm của người dân đối với vấn đề bảo tồn và phát triển nghề thủ công đó như thế nào. Điều đó cũng sẽ có ích trong việc nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân với vấn đề bảo tồn và phát triển nghề thủ công của làng mình. Những người thợ thủ công tham gia dự án sẽ trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong cộng đồng, cùng nhau bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống của nghề và làng nghề.
Bên cạnh đó, dự án còn có mục đích thu thập và lưu giữ các tài liệu hình ảnh và các kết quả phỏng vấn về các nghề thủ công, từ đó xây dựng các tài liệu nghiên cứu để hỗ trợ cho các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách trong việc thiết kế các chính sách bảo tồn, phát triền ngành nghề thủ công truyền thống ở Việt Nam trong hiện tại và trong tương lai, phù hợp với những mong muốn và điều kiện ở mỗi địa phương.