Thí nghiệm ảnh hưởng của chế độ thay nước lên ấu trùng Tôm sú (Penaeus monodon) đã được thực hiện với ba nghiệm thức là thay nước có cùng độ mặn 30%o (đối chứng), thay nước ngọt từ postlarvae-2 (PL-2) và thay nước liên tục (nước tuần hoàn) từ mysis-3. Thí nghiệm được tiến hành trong 9 bể composite, 2 m3/bể. Mật độ tôm ương là 175 ấu trùng/lít, khẩu phần ăn và thức ăn giống nhau ở các nghiệm thức. Kết quả cho thấy sự khác biệt về tăng trưởng của tôm từ zoea-3 đến PL-4 là không có ý nghĩa (p>0,05). Từ PL-8 đến PL-15 thì tôm ở nghiệm thức nước tuần hoàn tăng trưởng nhanh hơn có ý nghĩa thống kê so với hai nghiệm thức còn lại (p<0,05). Chiều dài trung bình của PL-15 của nghiệm thức nước tuần hoàn cao nhất là 1,18 cm. Tỉ lệ sống tôm PL-15 của nghiệm thức nước tuần hoàn (55,2%) cao hơn có ý nghĩa thống kê so với các nghiệm thức còn lại (p<0,05). Chất lượng tôm PL-15 của các nghiệm thức tương đương nhau.